Thông tin Ấn Độ đang xem xét gỡ bỏ lệnh xuất khẩu gạo trắng đang được Bộ NN-PTNT và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam đặc biệt quan tâm.

Ông Nguyễn Như Cường thông tin nhận định về tác động nếu Ấn Độ gỡ lệnh hạn chế xuất khẩu gạo

Tại cuộc họp báo thường kỳ 6 tháng đầu năm của Bộ NN-PTNT diễn ra chiều 28.6, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, đã thông tin dự báo những khả năng có thể ảnh hưởng đến thị trường gạo của Việt Nam, khi Ấn Độ gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng.

Ông Nguyễn Như Cường cho rằng, Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 40% sản lượng. Do đó, tất cả các động thái, quyết định liên quan đến xuất khẩu gạo của nước này đều có tác động đến tất cả các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam, Thái Lan, là những nước nước xuất khẩu gạo lớn.

Thứ nhất là ảnh hưởng nhu cầu sản lượng nhập gạo của các đối tác của Việt Nam. Khi các đối tác có thêm lựa chọn từ nhà cung cấp Ấn Độ, gạo của Việt Nam sẽ bị cạnh tranh, có thể sản lượng sẽ ít đi.

Thứ hai là tác động đến giá gạo. Nhưng theo dõi tình hình hiện nay, nhu cầu gạo của thế giới vẫn cao và sản lượng không phải là quá dư thừa nên nếu Ấn Độ có gỡ bỏ lệnh hạn chế xuất khẩu gạo trắng thì cũng ít có ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam.

Theo Bộ NN-PTNT, trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 29,2 tỉ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, gạo và 6 sản phẩm, nhóm sản phẩm khác gồm: cao su, cà phê, hạt điều, rau quả, tôm, sản phẩm gỗ nằm trong nhóm đạt trên 1 tỉ USD. Đặc biệt, gạo và hạt điều là hai sản phẩm tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu.

Cụ thể, xuất khẩu gạo trong 6 tháng đầu năm đạt 4,68 triệu tấn, đạt giá trị 2,98 tỉ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm 2023. Xuất khẩu hạt điều 350.000 tấn, đạt giá trị 1,92 tỉ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Riêng xuất khẩu cà phê tuy giảm về khối lượng khi chỉ đạt 902.000 tấn, giảm 10,5%, nhưng nhờ giá tăng 50,4% nên giá trị xuất khẩu đạt 3,22 tỉ USD, tăng 34,6% so với cùng kỳ năm ngoái.